Rao bán tên miền và trách nhiệm pháp lý

Tên miền gây nhầm lẫn có vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp hay không, đang là câu hỏi được dư luận đặt ra trước thực trạng có những tên miền giả giống với tên doanh nghiệp đang được rao bán tràn lên trên mạng hay thậm chí ngay tại đường phố. Câu trả lời là có, song không dễ xử lý những vi phạm này.



Nguồn: blogpost.com
 
Từ khó quản lý
Dư luận chắc chắn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi tên miền giả như quoccuonggialai.com, nganhangxaydung.com… gần giống tên doanh nghiệp được rao bán tràn lan ngoài đường phố với số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là vì sao không quản lý được việc đăng ký tên miền, nguyên nhân có xuất phát từ việc tên miền không phải là đối tượng được bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ? Thực tế, dù không được xếp vào đối tượng được bảo hộ nhưng Luật Sở hữu trí tuệ 2005 vẫn có quy định nghiêm cấm hành vi đăng ký, chiếm giữ hoặc sử dụng tên miền trùng, dễ nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý gây thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của cá nhân, tổ chức khác. Điều đó cho thấy, dù không là đối tượng được bảo hộ nhưng tên miền vẫn được pháp luật về sở hữu trí tuệ bảo vệ.
Có lẽ nguyên nhân dẫn tới việc khó quản lý tên miền cũng xuất phát từ mua bán, chuyển nhượng tên miền. Nếu như trên thế giới có rất nhiều sàn giao dịch tên miền thì ở Việt Nam đến nay vẫn chưa có một thị trường tên miền đúng nghĩa. Trong khi đó, nhiều giao dịch mua bán, chuyển nhượng tên miền vẫn ngầm diễn ra nhưng do chưa có sự minh bạch về giá cả nên không ít tên miền được thổi giá cao quá mức làm biến dạng thị trường.
Hơn nữa, theo nguyên tắc chung trên thế giới, tên miền được đăng ký nếu thoả mãn hai điều kiện là duy nhất và nộp đơn đăng ký trước thì được cấp trước áp dụng cho cả tền miền quốc gia và tên miền quốc tế. Theo quy định của pháp luật, việc quản lý tên miền quốc gia sẽ do Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC chịu trách nhiệm còn đối với tên miền quốc tế, theo Thông tư số 09/2008/TT-BTTT thì tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp tại Việt Nam sử dụng các tên miền quốc tế để thiết lập trang thông tin điện tử phải thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Bên cạnh đó, nhà đăng ký tên miền quốc tế còn phải cập nhật danh sách tên miền mà mình quản lý với Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC.
Thế nhưng, những biện pháp này chỉ giúp nhà quản lý có thêm thông tin chứ chưa thực sự hữu hiệu để ngăn chặn vi phạm về thông tin trên internet có liên quan đến tên miền quốc tế. Bởi nếu các chủ thể đăng ký tên miền quốc tế trực tiếp với nước ngoài hoặc đăng ký ở nước ngoài và không thông báo thì cũng không dễ dàng quản lý được. Hơn nữa, cơ quan đăng ký tên miền không có trách nhiệm thẩm định việc đăng ký tên của chủ thể này có gây nhầm lẫn với thương hiệu của chủ thể khác hay không. Những tranh chấp và xung đột tên miền thời gian qua ngày càng gia tăng cũng một phần do có cá nhân, tổ chức lợi dụng nguyên tắc cấp phát tên miền và sự chủ quan, lơ là của chủ thể đích thực mà dùng chính nhãn hiệu, tên thương mại của cá nhân, tổ chức uy tín để xin cấp tên miền trước.
Nhiều chuyên gia cho rằng, điều này rất vô lý khi một cá nhân chẳng tốn công suy nghĩ hay sáng tạo, chỉ cần chọn và đăng ký những tên miền nổi tiếng, có giá trị thì sẽ được độc chiếm tên miền đó làm của riêng mình. Đáng nói là không ít tên miền được chào bán cho các chủ thể thực sự nhằm mục đích trục lợi kiếm lời, hoặc trực tiếp sử dụng tên miền gây cho công chúng lầm tưởng rằng chủ thể này với chủ sở hữu thực có mối liên hệ kinh doanh với nhau.
Tới giải quyết tranh chấp
Không chỉ khó quản lý mà việc xử lý hay giải quyết tranh chấp tên miền cũng không dễ dàng. Mặc dù Nghị định 99/2013 đã có quy định hành vi đăng ký, chiếm giữ hoặc sử dụng tên miền trùng hay tương tự nhầm lẫn với tên thương mại của người khác sẽ bị phạt từ 5 triệu đến 20 triệu đồng nhưng do thiếu quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý tên miền quốc gia “.vn” và cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính nên việc xử phạt còn gặp nhiều khó khăn. Xử phạt như thế nào đối với hành vi sử dụng tên miền quốc tế gây nhầm lẫn vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Theo Nghị định 72/2013, đối với tranh chấp tên miền quốc gia có thể sử dụng một trong các phương thức giải quyết như hòa giải thương lượng, giải quyết bằng con đường trọng tài hoặc khởi kiện ra tòa. Có ý kiến cho rằng, bên cạnh quy định theo thông lệ quốc tế, văn bản này còn thêm điều kiện về nội dung tranh chấp chứ không phải là yêu cầu về thủ tục thụ lý giải quyết. Điều này dễ dẫn tới việc cá nhân, tổ chức đi kiện có thể phải ôm đơn đứng mãi ở cổng tòa mà không được giải quyết. Còn đối với tên miền quốc tế, theo Phó GĐ Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC Trần Minh Tân, những tên miền này thuộc sự quản lý chung của tổ chức quản lý tên miền quốc tế (ICANN) thế nên VNNIC không thể tác động trong những vụ tranh chấp.
Theo đó, các doanh nghiệp hiện chỉ có thể thực hiện theo hai cách để lấy lại tên miền trùng với tên kinh doanh của mình là theo hướng hòa giải hoặc thông qua trọng tài quốc tế, dựa vào quy định của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO. Song, nguyên đơn phải chứng minh được quyền, lợi ích hợp pháp liên quan tới nhãn hiệu, đồng nghĩa với việc nhãn hiệu phải đăng ký trước, có bằng chứng về việc cá nhân, tổ chức khác chiếm hữu tên miền trùng lặp gây nhầm lẫn tới thương hiệu của mình là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu. Trước những điều kiện đặt ra, không ít doanh nghiệp, tổ chức muốn lấy lại tên miền mà ngại phiền hà về thủ tục pháp lý và mất thời gian nên đã thỏa thuận với người đăng ký để mua lại với giá chênh lệch. Điển hình là Bkav do không kiểm soát được tên miền quốc tế của mình đã bị một cá nhân ở Mỹ đăng ký từ năm 1997. Đến 2012, công ty Bkav đã phải chi 2,3 tỷ đồng để mua lại tên miền Bkav.com.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để quản lý được tên miền tốt nhất, bên cạnh việc lấp kín những lỗ hổng pháp lý thì các tổ chức, doanh nghiệp phải tự bảo vệ lấy tài sản tên miền của mình. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng, khi ấy đã quá muộn. Điều quan trọng là cần có lộ trình xây dựng khung hành lang pháp lý chuẩn, truyền thông về vai trò quan trọng của tên miền để các tổ chức, cá nhân thấy được giá trị pháp lý của nó.

Theo Daibieunhandan

0 nhận xét: